Có thể bạn chưa biết, việc bày mâm ngũ quả xuất phát từ lý thuyết về ngũ hành: thủy – hỏa – mộc – kim – thổ những yếu tố tạo nên vũ trụ và sự vận hành của nó.
Vậy ý nghĩa thật sự của mâm ngũ quả là gì và cách bày trí sao cho đúng chuẩn để mang lại may mắn cho cả năm, mời các bạn tham khảo bài viết sau đây để cùng chuẩn bị cho một năm mới thật chỉn chu nhé!
Thông thường mâm ngũ quả gồm 5 loại quả có các màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: phú (giàu có), quý (sang trọng), thọ (sống lâu), khang (khỏe mạnh), ninh (bình yên).
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết
Mỗi một vùng miền sẽ có quan niệm về mâm ngũ quả khác nhau:
Miền Bắc
Ở miền Bắc trên mâm ngũ quả thường có 5 loại quả khác nhau, cụ thể gồm chuối/táo màu xanh; bưởi (hoặc phật thủ), cam, quýt màu vàng; hồng hoặc táo tây, ớt màu đỏ; roi, mận, đào hoặc lê màu trắng; hồng xiêm hoặc nho đen, măng cụt, mận màu đen.
Ở miền Trung người dân không quá câu nệ hình thức mà có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Mặt khác, do chịu sự giao thoa của hai miền Bắc – Nam nên mâm ngũ quả của người miền Trung bày biện đủ chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài,….Thường, mâm ngũ quả miền Trung có nét tinh tế riêng của xứ Huế, nhưng thế nào cũng có nải chuối ngự (chuối cau) quả nhỏ mà thơm.
Miền Nam
Mâm ngũ quả miền Nam thường là: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, đọc chệch thành các tên “cầu vừa đủ xài” hoặc “cầu vừa đủ sung”. Ở miền Nam hầu như không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi” thể hiện sự nguy khó trong công việc.
Bày mâm ngũ quả sau cho đúng?
Nhìn chung mâm ngũ quả bày trên bàn thờ không cần nhiều về số lượng. Tất cả chỉ gọn gàng và sạch sẽ là đủ. Mâm ngũ quả truyền thống với 5 loại quả, số quả lẻ thể hiện sự sinh sôi, nảy nở và phát triển. Và đối với người Việt chúng ta, con số 5 tượng trưng cho mong muốn được ngũ phúc lâm môn:
Phú: Giàu có, nhiều của cải
Quý: Phẩm chất sang trọng
Thọ: Sống lâu trăm tuổi
Khang: Có nhiều sức khỏe
Ninh: Cuộc sống bình an
Mâm ngũ quả đầy đủ theo ngũ phúc lâm môn của người Bắc.
Ngày nay ở một số nơi người ta không còn quá cứng nhắc trong chuyện phải là 5 loại quả nữa nhưng ở miền Bắc vẫn chọn số quả lẻ khi bày mâm ngũ quả ngày Tết. Ngược lại người miền Nam và miền Trung thoải mái hơn khi không quan trọng chuyện chọn số quả lẻ hay chẵn mà chủ yếu chọn ý nghĩa của loại quả khi bày mâm ngũ quả ngày Tết.
Mặc dù mâm ngũ quả thời nay một số người không còn quá quan trọng trong chuyện số lẻ hay chẵn nhưng cốt lõi vẫn phải giữ nguyên các quy ước dân gian như: mâm ngũ quả chỉ bày quả, không đặt thêm hoa hay thực phẩm gì, số lượng trên mâm ngũ quả chỉ tính loại, không tính quả (chuối chỉ cần một nải mà không quan tâm số lượng quả).
Ý nghĩa của từng loại trái cây trong mâm ngũ quả ngày Tết:
Bưởi: phúc lộc, viên mãn
Thanh long: rồng mây, hội tụ
Dưa hấu: tốt đẹp, viên mãn, trung thực
Đu đủ: đầy đủ, thịnh vượng
Mãng cầu: cầu chúc mọi điều như ý
Dứa (thơm): thơm tho, đa phúc lộc
Hồng: hồng hào, tươi tốt, tượng trưng cho sự thành đạt
Lựu: đa phúc, đa lộc, con đàn cháu đống
Phật thủ: bàn tay Phật che chở phù hộ cho con người
Chuối: tượng trung cho bàn tay ngửa, hứng lấy may mắn, bao bọc, che chở
Dừa: viên mãn
Xoài: tiêu xài không thiếu thốn
Quất: sung túc, lộc lá
Đào: sự thăng tiến, danh lợi.
Ngày nay, mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên của người Việt phong phú hơn về chủng loại bởi sự góp mặt của các loại trái cây ngoại nhập. Với tính dung hợp trong văn hóa, người Việt có thể tìm thấy những yếu tố thích hợp, có giá trị ý nghĩa đối với đời sống tâm linh của từng gia đình mà lựa chọn.